Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Truyền thông Việt Nam “hậu Tiên lãng”

Hoàng Hưng

Vụ Tiên Lãng vẫn đang diễn biến, công luận còn tiếp tục lo âu theo dõi việc giải quyết thấu đáo và có lý có tình đến mức nào sau mấy kết luận còn chung chung, đa nghĩa và tạo không ít hoài nghi của Thủ tướng. Nhưng một câu hỏi lớn hơn đã đặt ra trước toàn hệ thống chính trị: không chỉ là dấu đỏ cảnh báo áp lực nồi xúp-de lòng dân đã tới ngưỡng an toàn mà nhà cầm quyền có thể tạm “xả xúp páp” bằng vài thủ thuật không khó lắm, Tiên Lãng còn là đống mối đùn cao như núi cho thấy cả ngôi nhà chế độ đã mục ruỗng, không còn thể chần chờ với những biện pháp vá víu. Nếu Việt Nam là một nước dân chủ văn minh, chắc chắn sẽ có một “Việt Nam hậu Tiên Lãng”, giống như một “nước Pháp hậu tháng 5/1968”, một “nước Mỹ hậu 9/11”, nghĩa là sau một sự biến nghiêm trọng như thế, toàn bộ hệ thống chính trị phải suy nghĩ lại tất cả đường lối cơ bản để tái cấu trúc xã hội. Vụ Tiên Lãng đã phơi bày sự bế tắc của toàn hệ thống giữa thanh thiên bạch nhật không còn mảnh vải che thân. Ta thử đợi coi sau Tiên Lãng, Luật Đất đai sẽ được sửa đổi ra sao, rồi Hiến pháp sẽ phải sửa đổi thế nào, v.v. Những vấn đề rất căn bản ấy nhiều người đã nói tới, đã bàn nát cả rồi, tôi không muốn nói thêm gì nữa.

Nhưng có một thực tế rõ ràng không ai, kể cả Thủ tướng, có thể phủ nhận: Công trạng lớn nhất trong việc định hướng xử lý đúng đắn vụ Tiên Lãng thuộc về giới truyền thông. Trong khi chính quyền địa phương, từ cấp xã, huyện đến thành phố, chằm chặp bênh “các quan” theo đúng câu thành ngữ tổng kết “chân lý “ của chế độ phong kiến: “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”, bao gồm cả hệ thống công an, tòa án, tuyên huấn, báo chí, thậm chí nhắm mắt làm điều tối kỵ về chính trị là vơ cả quân đội vào cuộc “đỡ quan, đạp dân” cực nguy hiểm; trong lúc ở cấp trung ương các ngành hữu trách án binh bất động, từ Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Bộ NN & PTNN, đến các báo máu mặt nhất (ND, QĐND, thậm chí có báo còn không giấu được giọng “bênh quan” như CAND, Công lý…), thì lao vào trận địa sớm nhất, đúng vai trò “người chiến sĩ xung kích” trên “mặt trận tư tưởng” là ai? Những chiến sĩ đặc công dũng cảm, kiên cường, mưu trí, vào tận sào huyệt bọn phản động chính hiệu (tức là bọn phản dân ở Tiên Lãng) phát hiện các yếu huyệt của boong ke địch phần lớn là những cây bút tự do như Trưởng thôn Khoai Lang… được các đường dây truyền tin trung thực và không thể cản phá là các trang blog như Anh Ba Sàm, Nguyễn Quang Vinh, Quê Choa…  tung lên xa lộ thông tin thênh thang, cùng với một số cây bút và một số tờ báo “trong lồng” như Pháp luật TPHCM, GDVN, kể cả trong cái lồng rất hẹp như An ninh Thủ đô… truyền trên “lề phải”, không cần ai lãnh đạo, chỉ đạo, không hẹn mà hiệp đồng chiến đấu trong “một trận đánh đẹp” (đúng là trận đánh đẹp, không phải “đẹp” nhưng thực chất rất xấu như cuộc phối hợp ăn cướp đầm nhà Vươn mà me-xừ Đại… Caca (xin hiểu theo nghĩa tiếng Pháp) đã rất chi là khoái trá).
Ai đã chỉ đạo những cây bút, những trang mạng, những tờ báo ấy? – Sự Thật!
Ai đã tổ chức những cây bút,những trang mạng, những tờ báo ấy? – Lòng Dân
Ai đã cấp vũ khí cho những chiến sĩ thông tin ấy? – Lương Tâm Nghề Nghiệp.
Nếu vì nhiều lẽ có thể hiểu và chưa thể, thậm chí không thể hiểu, mà sau vụ Tiên lãng, chúng ta chưa có “một Việt Nam hậu Tiên Lãng”, thì chắc chắn ta sẽ có một “truyền thông Việt Nam hậu Tiên Lãng”. Đó là một nền truyền thông trong đó phần đóng góp lớn nhất cho nhân dân, cho dân tộc, uy tín áp đảo, nhanh nhạy từng giờ, thuộc về những người cầm bút /bàn phím TỰ DO sát cánh với những người CÒN LƯƠNG TÂM NGHỀ NGHIỆP ĐANG PHẢI VIẾT TRONG LỒNG.
Và như vậy, tôi long trọng đề nghị từ hôm nay giới cầm bút/bàn phím chúng ta xóa bỏ những khái niệm “lề phải”, “lề trái”. Những khái niệm này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong một giai đoạn nhất định. Vốn xưa nay, và nhất là từ thời đại IT, chỉ có một XA LỘ THÔNG TIN thênh thang cho SỰ THẬT lưu hành, với những luật đi đường khách quan phải được tuân thủ. Khái niệm “lề phải” chỉ sinh ra từ sự bốc đồng ngu xuẩn của một viên chức cao cấp ngành 4T (xem bài “Mười chữ vàng và những dòng chữ đen cho báo chí” của tác giả trên Talawas ngày 8/8/2007 phản ứng bài trả lời báo chí của viên chức 4T nọ[1]). Từ đó, khái niệm “lề trái” (trong ngoặc kép) được giới truyền thông tự do sử dụng cốt để phản đối cái “lề phải” quái đản kia. Nhưng rồi “lề trái” lại bị một số người hiểu như một thái độ phản kháng, chống đối vô điều kiện mọi sản phẩm chính thống của nhà nước VN. Đến hôm nay, vụ Tiên Lãng cho thấy rành rành: sự đối lập “lề phải” vs “lề trái” chỉ là giả tạo. Chúng  ta không theo lề nào hết, chúng ta đường đường chính chính đi giữa xa lộ thênh thang của SỰ THẬT. Trong truyền thông, chỉ có sự đối lập SỰ THẬT vs DỐI TRÁ.
Hãy để SỰ THẬT chỉ huy, LÒNG DÂN tổ chức, LƯƠNG TÂM NGHỀ NGHIỆP vũ trang cho chúng ta!
11/2/2012
H.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN


[1] “Thật tình tôi chưa hiểu cái “lề đường bên phải” mà ông Hợp “cố gắng làm cho” giới báo chí nước nhà trông mặt mũi nó ra làm sao, liệu nó có giống cái “lá đề” che mắt ngựa để ngựa không nhìn sang hai bên cứ thẳng đường mà đi hay không? Song có điều chắc chắn là: người làm báo ở bất cứ quốc gia nào cũng đã có sẵn con đường tự nhiên là “xa lộ thông tin” mà toàn xã hội tạo nên cho họ, họ chỉ cần tuân theo đúng luật đi đường là những gì hiến pháp và pháp luật của quốc gia qui định cho họ (chưa nói đến chính hiến pháp và pháp luật mỗi nước luôn phải được điều chỉnh để ngày càng đáp ứng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của người dân và phù hợp với luật quốc tế). Vấn đề của người làm báo ở Việt Nam hiện nay là trên thực tế họ đã gặp phải khá nhiều biển cấm trái pháp luật trên đường đi. Thiết nghĩ, thay vì “cố gắng làm ra lề đường” rất có thể lại khống chế thêm bước đi của họ, xin ông hãy tìm cách tháo bỏ những biển cấm kia cho họ (và dân chúng) được nhờ.” (trích)
nguồn BVN